Phương án tác chiến và binh lực của hai bên Trận_Dubno_-_Lutsk_-_Brody

Quân đội Liên Xô

Phương án tác chiến

Do không nắm được tình hình mặt trận khi quân đội Đức Quốc xã bất ngờ tấn công ngày 22 tháng 6 năm 1941, Bộ Tư lệnh phương diện quân Tây Nam chỉ chủ trương kìm chân đối phương bằng lực lượng của thê đội hai trên tuyến Korosten, Novograd-Volynskyi, Shepetovka, Staro-Kostiantinov và Proskurovka. Theo quan điểm của Bộ tham mưu Phương diện quân Tây Nam, kìm giữ được quân Đức ở tuyến này sẽ tạo thêm thời gian để chuẩn bị tổng phản công. Tuy nhiên, khi bàn đến kế hoạch thủ trưởng cơ quan chính trị của phương diện quân, chính ủy N. N. Vashughin lại cho rằng đó là sự mất tinh thần. Tư lệnh Phương diện quân, thượng tướng M. P. Kirponos mặc dù đồng ý với tướng M. A. Purkaev về tính hợp lý của đề nghị phòng ngự nhưng cũng đã buộc phải kết luận: "Mệnh lệnh là mệnh lệnh, phải chấp hành". Phương diện quân Tây Nam đã phải phản công trong điều kiện binh lực không được tập trung đầy đủ.[6]

Chiều 22 tháng 6, tướng V. D. Paniukhov đến Tập đoàn quân 5 truyền đạt cho tướng M. I. Potapov mệnh lệnh sử dụng Quân đoàn cơ giới 22 và sư đoàn bộ binh 135 để phản đột kích vào Vladimir-Volynskyi. Tập đoàn quân 6 của tướng I. N. Muzychenko được lệnh sử dụng quân đoàn cơ giới 15 tấn công vào Radekhov, điều Quân đoàn cơ giới 8 của tướng Varennikov sang hướng Brody. Quân đoàn cơ giới 9 (ở Novograd-Volynskyi) và quân đoàn cơ giới 19 (ở Zhitomir) còn cách cửa đột phá đến 300 km cũng được điều động. Do thê đội hai còn cách tuyến biên giới từ 150 đến 200 km nên các đơn vị cơ giới được lệnh tăng tốc độ hành quân ở mức cao nhất. Việc bố trí quân nói trên là hậu quả của việc phán đoán sai lầm hướng tấn công chính của tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức). Do phán đoán rằng hướng Lublin - Lutsk tuy có địa thế uy hiếp Bắc Lvov nhưng phía Tây tuyến đó không có mạng lưới đường sá thuận lợi, Phương diện quân Tây Nam (Liên Xô) đã không dự kiến được đòn đột phá của các đơn vị xe tăng Đức nhằm vào đây. Do đó, 5 quân đoàn cơ giới của Phương diện quân Tây Nam không thể tiếp cận trận địa cùng một lúc. Mặc dù tướng M. A. Purkaev cho rằng "nếu tung từng quân đoàn cơ giới ra trận thì cũng như nối giáo cho giặc" nhưng thời hạn tấn công được quy định gần như ngay lập tức đã buộc ông không thể thực hiện được ý đồ của mình.[7]

Binh lực

Thê đội 1:
  • Quân đoàn cơ giới 8 của tướng D. I. Riabyshev hành quân đến Brody sáng 24 tháng 6 để đột kích vào Berestechko. Trang bị của quân đoàn gồm 133 xe tăng gồm các loại T-34KV.[1]
  • Quân đoàn cơ giới 15 của tướng I. I. Karpezo để lại một bộ phận giữ Radekhov, đại bộ phận tập kích vào cánh nam của tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) từ hướng Đông Nam đến Berestechko, đồng thời giải vây cho sư đoàn bộ binh 124. Trang bị của quân đoàn gồm 154 xe tăng BT và xe bọc thép T-26 (loại có hai tháp súng).[1]
Thê đội 2:
  • Quân đoàn cơ giới 22 do tướng S. M. Kondrucev chỉ huy, được tăng cường sư đoàn bộ binh 135 và lữ đoàn pháo chống tăng 1 đột kích vào cánh bắc của Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) trên hướng Vladimir-Volynskyi, đồng thời giải vây cho sư đoàn bộ binh 87. Trang bị của quân đoàn gồm 30 xe tăng KV, 54 xe tăng BT-7 và 78 xe bọc thép T-26.[8]
  • Quân đoàn cơ giới 9 của tướng K. K. Rokossovsky đang ở cách mặt trận 150 km, chỉ có thể tiếp cận chiến trường sau ít nhất 2 ngày. Trang bị của quân đoàn gồm 86 xe tăng BT và 112 xe bọc thép T-26.[8]
  • Quân đoàn cơ giới 19 của tướng N. V. Feklenko cũng đang ở cách mặt trận đến 250 km, chỉ có thể tiếp cận chiến trường sau ít nhất 3 ngày. Quân đoàn được trang bị 129 xe tăng BT.[9]

Quân đội Đức Quốc xã

Phương án tác chiến

Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) bố trí tại khu vực này lực lượng xung kích mạnh nhất của họ gồm tập đoàn quân xe tăng 1 của tướng Paul Ludwig Ewald von Kleist (6 sư đoàn xe tăng, 3 sư đoàn cơ giới) và tập đoàn quân 17 của tướng Carl-Heinrich von Stülpnagel (2 sư đoàn cơ giới, 7 sư đoàn bộ binh) với mục tiêu mở con đường ngắn nhất đến Kiev qua Radekhov, Berestechko, Kovel, Dubno. Các sư đoàn xe tăng của tướng Paul Kleist sẽ tiến quân trên hai con đưòng nhựa từ Druzkopol (phía Bắc) và Radekhov (phía Nam), hợp điểm tại Berestechko. Trong giai đoạn tiếp theo, tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) tiếp tục mở hai mũi tiến công vu hồi từ Berestechko qua Demklovka (phía Bắc) và Kovel (phía Nam), hợp điểm tại Dubno. Tập đoàn quân 17 bảo đảm sườn phía Nam và tập đoàn quân 6 bảo đảm sườn phía Bắc của tập đoàn quân xe tăng 1. Ý đồ ban đầu của Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) là sau một tuần giao chiến, sẽ bao vây và cô lập 11 sư đoàn bộ binh Liên Xô đang phòng thủ cả trên khu vực biên giới mới cũng như khu phòng thủ thuộc biên giới cũ.

Binh lực

  • Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) được trang bị khoảng 500 xe tăng T-III và T-IV gồm các sư đoàn xe tăng 9, 11, 14 và 15 và sư đoàn cơ giới 13 thuộc các quân đoàn cơ giới 43 và 48.
  • Cánh nam của tập đoàn quân dã chiến 6 gồm sư đoàn bộ binh 6 và sư đoàn cơ giới 23, có 72 xe tăng.
  • Cánh bắc của tập đoàn quân dã chiến 17 gồm sư đoàn bộ binh 57 và quân đoàn cơ giới 44, có 128 xe tăng.